Hệ thống luân xa

Lần đầu tiên mình biết đến luân xa và chữa lành vào một buổi sáng chủ nhật qua một workshop Thiền chữa lành của một người bạn người Ấn Độ.

Sau một thời gian cảm thấy bế tắc trong cuộc sống, những vấn đề liên quan đến tâm lý mình cảm thấy có nhiều vướng mắc bên trong và dường như không thể thoát khỏi những cảm giác này trong cuộc sống. Mỗi ngày, mình cảm giác mình khao khát một điều gì đó để cuộc sống trở nên hạnh phúc và an lành hơn nhưng mình không biết nó là gì. Sự bế tắc trong cuộc sống theo mình trong một thời gian dài. Và một ngày, mình quyết định đi tìm kiếm giải pháp cho cuộc đời mình, mình tìm kiếm thông tin về các nhóm Thiền và tìm thấy workshop này.

Người hướng dẫn trạc tuổi mình, đầu tiên anh ấy hướng dẫn về vị trí các luân xa, giới thiệu một chút về biểu hiện của chúng khi tắc nghẽn và các bước trong bài tập Thiền chữa lành mà mọi người sẽ làm cùng nhau trong buổi sáng hôm ấy.

Anh ấy giới thiệu những kỹ thuật này anh ấy học từ các sư phụ của anh ấy ở dãy núi Himalaya. Ở bước thứ 5, anh ấy hướng dẫn một kỹ thuật Thở tập trung vào cổ họng để phát ra âm thanh nhẹ từ cổ họng. Cổ họng có một điểm để kết nối với luân xa 6 (con mắt thứ 3), nên với kỹ thuật thở này sẽ kích thích đến vùng luân xa 6. Kỹ thuật này sau đó được mình tìm thấy trong tài liệu hướng dẫn Kriya Yoga được khởi xướng bởi Mahavatar Babaji. Mahavatar Babaji được xem là một thánh nhân và ông không tồn tại trong thế giới vật lý. Mahavatar Babaji đã xuất hiện để truyền lại những kỹ thuật này cho Lahiri Mahasaya. Sri Yukteswar mà mình nhắc đến ban đầu là một đệ tử của Lahiri Mahasaya. Yogananda là một học trò của Sri Yukteswar. Yogananda được xem là người khởi xướng việc đem những lời dạy về Thiền và Kriya Yoga sang thế giới phương Tây. Cuốn sách của ông, Tự truyện của một Yogi (có bản tiếng Việt tại Việt Nam) là một cuốn sách nổi tiếng và truyền cảm hứng cho nhiều người tìm kiếm Tâm Linh.

Quay lại câu chuyện của mình, sau khi hướng dẫn các bước chi tiết. Nhóm bắt đầu cùng nhau thực hành theo các bước được chỉ dẫn, người bạn Ấn Độ từ từ làm từng bước và mọi người phía dưới thực hành theo.

Sau một vài bài hít thở mạnh để thay đổi trạng thái của Ý Thức. Chúng mình nằm xuống và bắt đầu đặt ý thức vào vị trí luân xa 1. Người hướng dẫn nói một vài lời để gợi mở những cảm giác về những tổn thương ở luân xa 1 liên quan đến gia đình. Cùng lúc đó, bắt đầu phát ra âm thanh “Hô … Hô….”.

Âm thanh của cả phòng cùng với tiếng chuông tạo nên không bầu không gian có phần kỳ lạ.

Những hình ảnh về những ký ức và những tổn thương tuổi thơ bắt đầu hiện lên kèm theo những cảm xúc. Dường như bao nhiêu đè nén trong cảm xúc được trào lên và mình bắt đầu khóc. Đây là lần đầu tiên sau hơn 15 năm mình khóc như một đứa trẻ. Những cảm xúc cứ thế tuôn trào.

Sau buổi hôm đó, mình cảm thấy một cảm giác nhẹ nhõm dễ chịu bên trong tinh thần. Và mình bắt đầu tìm hiểu về các luân xa.

Mình bắt đầu cảm thấy ngạc nhiên khi đọc về chúng, những gì mà chúng ta nghĩ là cơ thể của mình thật ra chỉ là biểu hiệu của dòng năng lượng mà trong đó các luân xa có một vai trò ảnh hưởng to lớn.

Các luân xa được xem là cá trung tâm năng lượng xoáy trong cơ thể. Chúng kết nối với các chiều kích khác và mang dòng năng lượng Vũ trụ để nuôi sống và biểu hiện trong cơ thể vật lý. Nó cũng là tác nhân ảnh hưởng đến nhận thức và tinh thần.

Giống như các đường ống dẫn năng lượng, khi những đường ống bị tắc nghẽn do các tổn thương hoặc các dòng năng lượng không trong suốt, chúng ảnh hưởng đến dòng chảy năng lượng và gây ra bệnh tật hoặc những vấn đề liên quan đến tinh thần và nhận thức.

Khi nói đến các luân xa, chúng ta sẽ tìm thấy chúng được nói phổ biến nhất trong các trường phái Yoga hoặc Ấn Độ giáo. Các trường pháp yoga cho rằng, mỗi luân xa là một trung tâm năng lượng ảnh hưởng cho một khía cạnh nào đó trong cơ thể con người. Có nhiều bài tập liên quan đến các luân xa mà chúng ta có thể thực hành để làm sạch các trung tâm năng lượng này.

Điều thú vị là các luân xa cũng được tìm thấy trong những lời dạy của người Hopi, người Inka, người Maya và nhiều nền văn hóa thổ dân khác trên thế giới.

Theo niềm tin của người Hopi, con người được tạo ra hoàn hảo theo hình ảnh của Đấng Tạo Hóa của mình. Điều tương tự cũng được đề cập trong Thiên Chúa giáo. Người Hopi quan niệm rằng: cơ thể sống của con người và cơ thể sống của Trái Đất được cấu tạo theo cùng một cách. Mỗi sinh vật đều có một trục năng lượng. Trục của con người là cột sống. Dọc theo trục này là các trung tâm năng lượng rung động, nó kết nối và mang lại nguồn năng lượng nguyên thủy của sự sống và vũ trụ.

Nếu như các trường phái Yoga cho rằng bản chất con người của chúng ta là sự gắn bó với những ham muốn và bị ràng buộc vào nghiệp lực. Và con đường Yoga là con đường của sự đức hạnh, sự thanh khiết. Người ta phải vượt qua những cám dỗ của các giác quan để khám ra ra cái siêu việt; để thể xác và linh hồn được hòa quyện làm một trong cuộc sống. Ngược lại, niềm tin của các pháp sư và người Mỹ bản địa cho chúng ta một góc nhìn khác. Họ tin rằng chúng ta đang sống trong một thế giới mà Thiên đường không tách biệt với Trái Đất, các khía cạnh Tinh thần, thần linh và vật chất hòa quyện vào nhau. Các pháp sư không tin vào sự phân chia giữa cơ thể và tinh thần, hoặc giữa thế giới hữu hình và thế giới vô hình. Anh ta nhìn thấy thế giới là một, là sự hòa quyện của tất cả mọi thứ lại với nhau.

Khi chúng ta tự tách biệt nhận thức của mình về 2 thế giới phân biệt, chúng ta đang sống trong sự phân biệt đó. Chúng ta tự mình đưa bản thân mình vào sự phân chia để rồi tự mình lại tìm đường để quay về với sự hợp nhất.

Các luân xa đại diện cho những phẩm chất nền tảng cơ bản của con người. Khi các luân xa tắc nghẽn, chúng trở nên thiếu năng lượng và làm chúng ta yếu ớt. Khi chúng họa động quá mức, chúng ta có những biểu hiện vượt quá sự kiểm soát và mất cân bằng. Mọi thứ trong tự nhiên đều thánh thiện, mỗi luân xa chứa đựng những hạt giống làm nền tảng về con người chúng ta.

Nếu bạn tìm hiểu rộng một chút, bạn sẽ thấy có nhiều trường phái nói về số lượng các luân xa khác nhau. Bạn có thể gặp Tây Tạng nói về 5 luân xa trong cơ thể, Ai cập có 12 luân xa. Trong tài liệu này, chúng ta sẽ nói vệ hệ thống 7 luân xa trong cơ thể. Theo một số tài liệu, chúng ta còn có một số luân xa bên ngoài cơ thể, ví dụ như luân xa Trái Đất bên dưới luân xa 1, luân xa nhân quả và luân xa linh hồn nằm phía trên luân xa 7.

Có một điều đặc biệt về khoảng cách các luân xa trên cơ thể. Nếu bạn đo khoảng cách từ cằm đến đầu mũi, trung bình khoảng cách này 7.23 cm và đây cũng là khoảng cách chính xác giữa 2 con mắt của bạn, từ trung tâm của con ngươi từ mắt này đến con ngươi còn lại. Bước sóng 7.23 cm được xem là bước sóng của âm thanh Om - âm thanh cơ bản cấu tạo nên vũ trụ này. Khoảng cách giữa các luân xa là bội số của khoảng cách này. Bạn có thể thấy một sự trùng hợp giữa cấu tạo của cơ thể người đối với rung động của âm thanh Om, âm thanh cơ bản tạo nên Vũ trụ.

Khoảng cách từ cằm đến mũi bằng chính xác khoảng cách từ mũi đến luân xa 6 của bạn, luân xa con mắt thứ 3 (nằm ở trán, phía trên 2 mắt một chút). Và từ luân xa 6, bạn đo tiếp 2 lần đi lên phía trên đầu sẽ là đỉnh đầu của bạn, vị trí của luân xa 7 - luân xa vương miện. Ngược lại, khoảng cách này từ cằm đến cổ họng là vị trí luân xa 5 - luân xa cổ họng. Xuống tiếp 1 lần nữa là vị trí của luân xa 4 - luân xa tim. Luân xa tim nằm giữa ngực và ngang với vị trí của tim. Từ luân xa tim, 2 lần khoảng cách này là luân xa 3 - luân xa đám rối mặt trời, nằm ở phần xương ức. Từ đây, bạn đi tiếp 2 lần xuống dưới là luân xa 2, nằm phía dưới rốn một chút. Và xuống dưới 2 lần nữa là luân xa 1. Luân xa một nằm ở giữa hậu môn và bộ phận sinh dục.

Các luân xa nằm ở tầng cơ thể vi tế. Trong một tài liệu khác đề cập rằng chúng ta không chỉ có 7 luân xa mà chúng ta có nhiều bộ các luân xa ở các tầng cơ thể vi tế, ở mỗi tầng chúng ta có các luân xa tương ứng cho tầng đó. Điều này có nghĩa là chúng ta có nhiều hơn một luân xa 1, nhiều hơn một cho luân xa 2 v.v… Các luân xa này kết nối với nhau.

Khi các luân xa hoạt động yếu do những tắc nghẽn, nó được xem là ảnh hưởng đến dòng chảy năng lượng và từ đó ảnh hưởng đến nhận thức, tinh thần, sự mất cân bằng trong cuộc sống và các dạng bệnh tật khác nhau.

Mỗi luân xa được xem giống như phễu để hút năng lượng từ Vũ trụ. Hình dáng cấu trúc của nó giống như một vòng xoáy nước. Bạn có thể thấy vòng xoáy nước ở ngoài to, nhưng ở chính giữa có xu hướng tụ lại.

Ngoại trừ luân xa 1 và luân xa 7 chỉ có 1 vòng xoáy từ bên ngoài vào. Các luân xa còn lại được xem có 2 phần, 1 phần phía trước và 1 phần phía sau. Các luân xa thu năng lượng vào một trục năng lượng thẳng đứng dọc theo cột sống của cơ thể. Trục này được gọi là trục pranic tube.

Hầu hết các phương pháp thực hành Tâm Linh đều có tác dụng phát triển và làm sạch các luân xa và trục năng lượng này. Một số kỹ thuật Thiền, thực hành pranayama hoặc thở có ý thức, thực hành yoga đều đưa ý thức và nuôi dưỡng sự nhận thức của chúng ta về cơ thể năng lượng, nó có tác dụng luân chuyển dòng năng lượng, kiến tạo dòng năng lượng bên trong để làm sạch và phát triển cơ thể năng lượng vi tế để đưa chúng ta đến hệ ý thức cao hơn.

Luân xa 1

Đầu tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu một chút về luân xa 1. Luân xa này cũng được gọi là luân xa gốc; nó được xem là nơi trú ngụ của năng lượng gốc, kundalini. Luân xa này được xem là cửa ngõ, là phần gốc rễ giúp chúng ta kết nối với nguồn năng lượng của Đất Mẹ. Luân xa này là nền tảng trong cuộc sống của chúng ta. Những bản năng cơ bản nhất trong cuộc sống là sự sống còn được xem những yếu tố đến từ luân xa này.

Trong tiếng Phạm, luân xa này được gọi là muladhara, có nghĩa là “nền tảng”.

Luân xa một cân bằng giúp chúng ta cảm thấy tràn đầy sinh lực và sức sống. Chúng ta cảm thấy có thể dễ dàng đối mặt với những thay đổi trong cuộc sống. Những nỗi sợ khó có thể ảnh hưởng đến chúng ta.

Khi luân xa gốc hoạt động yếu và được xem là thiếu năng lượng. Nó làm chúng ta cảm thấy thiếu tập trung, thụ động và thờ ơ trong cuộc sống. Bạn cảm thấy trống trải, không tìm thấy mục đích sống và cảm thấy bị thiếu kết nối với mọi người và với cuộc sống. Bạn có thể cảm thấy cuộc sống không an toàn và luôn luôn phải phấn đấu hoặc có những gánh nặng và áp lực mà bạn không thể gỡ bỏ.

Khi nó hoạt động quá mức, nó làm chúng ta có xu hướng không bao giờ thấy đủ, chúng ta trở nên cố gắng tích lũy vật chất, ích kỹ, cứng nhắc và sợ thay đổi.

Những tổn thương và ảnh hưởng từ tuổi thơ liên quan đến gia đình ảnh hưởng mạnh mẽ đến luân xa này.

Trước đây, mình luôn ở trong trạng thái cảm giác phải nỗ lực và cố gắng hơn nữa trong cuộc sống. Mặc dù thu nhập mỗi tháng cũng khá ổn định để có một cuộc sống cân bằng nhưng trạng thái tinh thần luôn luôn cảm giác không ổn. Nó làm mình thiếu sự cân bằng trong cuộc sống và luôn đi tìm sự công nhận từ bên ngoài. Điều này ảnh hưởng đến các mối quan hệ và chất lượng cuộc sống.

Cho đến khi bước đến hành trình chữa lành, mình nhận ra những nguyên nhân và tổn thương trong quá khứ đã ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào. Khi những mô thức này được nhận diện, mình bắt đầu cảm thấy sự thấu hiểu cho những gì đang diễn ra và dần dần có một sự cân bằng trong cuộc sống.

Có thể nói, gia đình và tuổi thơ là nền tảng nuôi dưỡng tâm hồn và ảnh hưởng đến tính cách, hành vi của chúng ta. Khi chúng không được nuôi dưỡng đúng cách, chúng ta trở nên cảm thấy cuộc sống không được an toàn và cảm thấy không có một chỗ dựa vững chắc để bước đi trong cuộc sống.

Luân xa 2

Luân xa thứ hai được xem là kết nối với yếu tố nước. Nó là dòng chảy của cảm xúc và niềm đam mê. Nó là biểu hiện của tình cảm ngọt ngào, trao đổi sự yêu thương và kết nối. Nó thể hiện bản thân thông qua sự gần gũi và sáng tạo.

Luân xa này được xem là hoạt động mạnh mẽ khi chúng ta đến tuổi vị thành thành niên, là thời điểm mà chúng ta chuyển từ sự ngây thơ và trong sáng sang giai đoạn của sự trưởng thành. Chúng ta bước vào tuổi dậy thì và trở những người thanh thiếu niên thích khám phá, phiêu lưu và sự lãng mạn. Chúng ta bắt đầu bộc lộ và khám phá những phiên bản mới của chính mình. Đây cũng là khoảng thời gian mà chúng ta bắt đầu hình thành các mối quan hệ, sự liên kết lâu dài với bạn bè và các mối quan hệ vượt ra ngoài phạm vi gia đình.

Trong tiếng Phạm, tên của nó là svadhisthana, có nghĩa là “bản thân”

Một luân xa cân bằng giúp chúng ta cảm thấy dễ dàng biểu hiện cảm xúc của mình, kết nối với người khác. Nó giúp chúng ta cảm thấy sự đam mê và nhiệt huyết trong cuộc sống. Chúng ta cảm thấy sự vui vẻ, hạnh phúc khi kết nối và sống với niềm đam mê bất tận khi luân xa 2 cân bằng.

Với một luân xa 2 phát triển, nó giúp chúng ta tăng cường trí thông minh cảm xúc. Chúng ta có thể trở nên dễ dàng thấu hiểu, nhận thức và kiểm soát được dòng cảm xúc của mình; dễ dàng điều chỉnh lời nói, hành vi của mình trong giao tiếp cho phù hợp với dòng cảm xúc của người khác mà không ảnh hưởng đến giá trị bản thân.

Trong khi đó, biểu hiện tiêu cực của luân xa này khi mất cân bằng là tức giận và sợ hãi.

Khi nó hoạt động yếu, chúng ta có xu hướng che dấu hoặc tránh biểu hiện cảm xúc thật của mình, không muốn kết nối với người khác hoặc không còn ham muốn tình dục; cảm thấy thiếu sự sáng tạo và nhiệt huyết trong cuộc sống. Sự không ổn định về cảm xúc, biểu hiệu cảm xúc quá mức hoặc không thể kiểm soát cảm xúc là những biểu hiện của luân xa này hoạt động quá mức.

Luân xa 3

Luân xa 3 là trung tâm của bạn, là nơi chứa đựng sức mạnh cá nhân để bạn biểu hiện mình trong cuộc sống. Nó cung cấp năng lượng để giúp bạn xây dựng cuộc sống theo cách cá nhân của mình; là nơi mà bạn ý thức về bản thân. Một số tính chất của luân xa này bao gồm tính chính trực, khả năng lãnh đạo, sức mạnh và sự tự tin. Nó giống như mặt trời bên trong để giúp bạn tỏa sáng bản thân mình.

Tên tiếng Phạm của nó là manipura, có nghĩa là “viên ngọc” hoặc “đá quý”.

Luân xa này đại diện cho ý chí tự do của bạn, khả năng bạn ra quyết định và lựa chọn cuộc sống của mình.

Khi luân xa này hoạt động bình thường, bạn đưa ra những quyết định phù hợp với mục đích tâm hồn của mình. Bạn có khả năng biểu đạt cuộc sống và dám sống theo cách của bạn.

Luân xa cung cấp và nuôi dưỡng sức mạnh để những tầm nhìn bên trong có thể trở thành hiện thực.

Khi đánh thức luân xa này, chúng ta cảm thấy không sợ hãi và một quyết tâm không bị cản trở bởi những nghịch cảnh. Những chướng ngại trên hành trình của bạn không làm bạn nản lòng, nó nuôi dưỡng sự tự tin và quyết tâm của bạn nhiều hơn. Bạn cảm thấy mình là tác giả duy nhất cho số phận của bạn. Và bạn có thể sáng tạo và điều chỉnh cuộc sống theo cách mà bạn muốn.

Khi luân xa này hoạt động yếu, bạn trở nên lo lắng quá nhiều, cảm thấy không tự tin và có xu hướng dựa dẫm vào người khác. Bạn thường tìm kiếm lời khuyên từ người khác và không chắc chắn về các quyết định của mình.

Khi nó hoạt động quá mức, nó làm bạn cảm thấy kiêu hãnh, ích kỹ, mong muốn kiểm soát, chi phối và thống trị người khác. Nó cũng có thể biểu hiện thành sự cần toàn quá mức, hay chỉ trích, hoặc một tính cách quá hung hăng.

Có một thời gian dài trong cuộc sống, mình cảm thấy có xu hướng bị phụ thuộc vào người khác. Có những lúc mình cảm thấy một niềm tin mạnh mẽ về những ý tưởng và giải pháp cho một vấn đề nào đó, nhưng mình lại không cảm thấy có đủ nội lực để thực hiện nó. Và thường mình sẽ trình bày và cố gắng thuyết phục ai đó về giải pháp để họ có thể cùng nhau giải quyết vấn đề. Nhưng thường đều dẫn đến kết quả không mong muốn. Người khác thường không thể có sự thấu hiểu về một vấn đề, một quan điểm như góc nhìn của bản thân. Vì vậy, chúng ta phải tự xử lý vấn đề của mình.

Mỗi người chúng ta dường như là một bản thiết kế đặt biệt để nhận những tín hiệu và thông điệp về một khía cạnh nào đó của cuộc sống. Tạo Hóa dường như muốn chúng ta phải tự biểu đạt cuộc sống của mình qua những nhận thức và sự khao khát bên trong mà chúng ta có. Và để làm điều đó, chúng ta cần nuôi dưỡng sức mạnh và niềm tin của bản thân. Khả năng sáng tạo độc lập và bước đi trên đôi chân của mình là điều cần thiết. Để làm điều đó, chúng ta cần có một luân xa 3 cân bằng.

Luân xa 4

Luân xa tim nằm ở giữa ngực, ngang với Tim. Nó là điểm giữa cân bằng của hệ thống luân xa trong cơ thể, 3 luân xa bên dưới và 3 luân xa phía trên. Nó được xem là điểm kết nối giữa các cơ quan khác nhau để tạo nên một tổng thể. Nó kết nối thể chất với cơ thể cảm xúc, tinh thần và nhiều hơn thế nữa.

Nếu luân xa 3 được xem là trung tâm của cơ thể vật lý thì luân xa 4 được xem là trung tâm của cơ thể ánh sáng.

Trong tiếng Phạm, luân xa tim được gọi là anahata, có nghĩa là “không ràng buộc”, “không bị kẹt”, “bất bại”.

Cánh cửa để dẫn đến những điều thiêng liêng nằm trong Trái Tim, câu này như là một câu nói nhắc nhở chúng ta về tính chất của luân xa Tim. Những tính chất của Trái Tim là con đường dẫn chúng ta đến với những phép màu trong cuộc sống và cũng là điều duy nhất mà chúng ta cần quay về trong cuộc sống này.

Trong hầu hết các thực hành Tâm Linh, nếu bạn gột bỏ những râu ria và những yếu tố ít quan trọng, bạn sẽ nhận ra khía cạnh của Trái Tim là điều cốt lõi và quan trọng duy nhất của bất kỳ thực hành Tâm Linh nào.

Nếu Tâm Trí là sự phân cực thì phẩm chất của dòng năng lượng trong luân xa Tim là sự hợp nhất và tình yêu vô điều kiện.

Ở không gian của luân xa Tim, nó cho phép bạn tiếp cận với trí tuệ thật sự và kết nối với những bản thể cao hơn.

Với dòng năng lượng từ luân xa Tim, nó cho phép chúng ta chia sẻ, kết nối và trải nghiệm Tình yêu vô điều kiện. Tình Yêu vô điều kiện là nguồn năng lượng tình yêu thuần khiết nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm trong cơ thể người. Nó khác với tình yêu thông thường mà chúng ta có trong cuộc sống, tình yêu trong cuộc sống là tình yêu của sự ràng buộc, của sự lãng mạn và của đòi hỏi. Chúng ta cho đi tình yêu để hy vọng người khác sẽ đáp ứng lại một nhu cầu hoặc mong mỏi thầm kín nào đó bên trong.

Tình yêu vô điều kiện là sự vị tha, là sự ngọt ngào và là một phẩm chất sâu thẳm đến từ bên trong chúng ta. Đó là cảm giác mà chúng ta cảm thấy yêu và cảm thấy nét đẹp ở mọi thứ trên đời hoặc những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Đó là tình yêu của một người mẹ sau khi sinh và đặt đứa con của mình lên đôi tay và bầu ngực của mình. Cô ấy có cảm giác sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình vì đứa bé.

Trong cuộc sống, thông thường chúng ta có một vài khoảnh khắc được trải nghiệm tình yêu này và sau đó cuộc sống lại lôi chúng ta quay về với hiện thực mà chúng ta không thể thoát ra.

Những bậc thầy phát triển tình yêu này và để nó trở thành sự hiện diện thường trực trong cuộc sống. Đó là lòng Từ Bi mà Phật giáo đề cập.

Với một luân xa 4 cân bằng, chúng ta cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy lòng trắc ẩn và sự yêu mến đối với tất cả mọi thứ trong cuộc sống. Chúng ta trở nên đồng cảm với mọi người và thể hiện những phẩm chất hiền thành, dễ mến, sự ấm áp và thân thiện. Những đặt điểm này làm người có một trái tim rộng mở cảm thấy được yêu quý bởi những người xung quanh.

Luân xa tim hoạt động kém làm đóng lại cảm xúc bên trong. Nó làm chúng ta thu mình lại và có xu hướng tạo ra một vỏ bọc khác bên ngoài. Quá nhiều tổn thương ở luân xa tim làm chúng ta cảm thấy trống rỗng hoặc cô đơn. Cảm thấy khó để tha thứ và đón nhận người khác.

Trái tim là dòng năng lượng của nữ tính, khi luân xa tim đóng lại, nó làm chúng ta trở nên chai sạn về mặt cảm xúc, trở nên phòng thủ có xu hướng biểu đạt sự mạnh mẽ bên trong.

Biểu hiện tiêu cực của luân xa Tim là chúng ta trở nên chìm đắm trong cái Tôi của mình. Chúng ta trở nên yêu thương bản thân quá mức và trở thành ích kỷ.

Hoạt động quá mức của luân xa tim có thể biểu hiện sự bướng bỉnh, dễ tự ái, ghen tị, tự cao và cho mình là trung tâm.

Luân xa 5

Luân xa cổ họng là luân xa kết nối giữa bạn với thế giới bên ngoài và thế giới bên trong. Nó là khả năng bạn lắng nghe thế giới bên ngoài và tiếng gọi nội tâm bên trong bạn.

Luân xa cổ họng đại diện cho khả năng bạn biểu hiện bản thân mình qua lời nói và ngôn ngữ. Trung tâm này là nơi biểu đạt sự sáng tạo của bạn ra thế giới bên ngoài. Đó là thông qua ngôn ngữ của bạn. Đây là công cụ để bạn tạo ra thực tại của mình bằng cách truyền đạt những ý tưởng bên trong đối với thế giới bên ngoài.

Luân xa này giúp bạn nói với thế giới rằng bạn tồn tại.

Khi luân xa này cân bằng, nó giúp bạn biểu đạt rõ ràng những gì từ bên trong. Bạn nói sự chân thật và lời nói của bạn trở nên rõ ràng và thuyết phục được người khác.

Tên tiếng Phạm của luân xa 5 là vishuddha, có nghĩa là “đặt biệt tinh khiết”.

Chìa khóa để biểu hiện luân xa 5 của mình là hãy nhận diện sự kết nối rõ ràng của nó với luân xa tim và luân xa con mắt thứ 3. Sự kết nối với luân tim cho phép bạn nói lời chân thật từ Trái Tim của mình. Rung động của Trái Tim giúp bạn kết nối và nhận được sự thấu hiểu và đồng cảm với mọi người. Sự kết nối với luân xa thứ 3 cho phép bạn truyền tải sự rõ ràng trong nhận thức.

Năng lượng nguyên mẫu của luân xa 5 giúp bạn dễ dàng cởi mở và giao tiếp với người khác. Lời nói của bạn trở nên đáng tin cậy, trung thực và đi vào cốt lõi của vấn đề.

Khi luân xa này hoạt động kém, bạn cảm thấy lo lắng, rụt rè và trở nên hướng nội quá mức. Bạn cảm thấy sự bất an và không thể lên tiếng để bảo vệ chính mình. Bạn không thể truyền đạt hết những gì mà bên trong bạn muốn nói. Bản thân mình có một thời gian luôn bị người khác nói là giao tiếp kém và không biết cách diễn đạt cảm xúc và ý tưởng của mình.

Khi luân xa này hoạt động quá mức, bạn có thể có xu hướng thiểu kiểm soát lời nói, nói quá mức cần thiết và sử dụng lời nói để kiểm soát người khác. Thói quen nói dối để che đậy những ý định bên trong và thiếu sự chính trực.

Một biểu hiện khác của luân xa này là bạn trở nên quá say mê với kiến thức của bạn và không lắng nghe người khác, không có sự thấu hiểu người khác trong các cuộc trò chuyện.

Luân xa 6

Luân xa thứ 6 hay còn gọi là luân xa con mắt thứ 3, nó nằm chếch lên giữa 2 mắt, gần giữa trán. Đây được biết đến như một trung tâm thần bí. Trong truyền thống Ấn Độ giáo, nó được xem là con mắt thứ ba của thần Shiva, người ban cho kiến thức về chân lý hoàn hảo.

Tên của luân xa này trong tiếng Phạm là ajna, có nghĩa là “sức mạnh vô hạn”.

Trong luân xa này, chúng ta nắm bắt được chân lý và sự thật về cuộc sống. Chúng ta trở nên có cái nhìn rõ ràng về mọi thứ trong cuộc sống. Ở đây, chúng ta nhận thức được rằng con người và cuộc sống của chúng ta không tách rời với Tạo Hóa. Chúng ta nhìn thấy sự thiêng liêng bên trong mình và bên trong tất cả vạn vật trong tự nhiên. Chúng ta có thể thấy lý do cho sự tồn tại của mọi thứ và biết rằng cuộc sống của chúng ta cần sự hòa hợp với mọi thứ trong tự nhiên.

Sự hiểu biết sâu sắc đến từ luân xa này giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn về bản chất của thực tại. Bạn nhận ra rằng, bên trong bạn là Đấng Sáng Tạo, là một sự vĩnh cửu đang tràn ngập qua cuộc sống của bạn và qua vạn vật.

Một người có luân xa 6 thức tỉnh sẽ nhận ra đâu là ranh giới của bản ngã mà bạn cần vượt qua để cho phép dòng chảy của sự thiêng liêng và ý thức cao hơn bên trong bạn được biểu lộ. Bạn sẽ nhận diện được khi nào bản ngã của bạn lên tiếng và khi nào tiếng nói của bản thể cao hơn. Bạn nhận ra cả 2 khía cạnh này đang hòa hợp vào bên trong cuộc sống của chính bạn và hòa hợp cả 2 yếu tố này trong cuộc sống. Bạn trở nên cân bằng giữa cuộc sống và khía cạnh Tâm linh.

Trong một chuyến retreat ở Nam Cát Tiên, mình được trải nghiệm phiên trị liệu nhóm với chuông Tây Tạng. Trong phiên trị liệu này, mọi người sẽ nằm xuống sàn, thả lỏng cơ thể và thư giãn, chỉ đơn giản là nằm và không làm gì cả. Người hướng dẫn sẽ bắt đầu gõ chuông. Bộ chuông với nhiều kích thước khác nhau tạo ra các rung động và âm thanh khác nhau. Điều làm mình ấn tượng nhất trong lần đầu tiên được trải nghiệm và khu vực luân xa 6 của mình được kích thích liên tục. Mình cảm nhận nhịp đập rõ ràng của luân xa 6 và dường như nó trở nên căng đến mức khó chịu.

Sau chuyến đi này, trở về nhà, cứ mỗi khi mình nằm thả lỏng một chút là mình lại cảm nhận được nhịp đập của nó. Sau này mình mới nhận ra là khu vực luân xa này của mình bắt đầu được kích thích. Và sau đó mình cảm giác có thể nhìn thấy mọi thứ trong cuộc sống một cách rõ ràng hơn. Với một hoàn cảnh, một khó khăn hoặc vấn đề gì đó trong cuộc sống, mình dường như thấy được nguyên nhân đằng sau của nó. Mình bắt đầu cảm thấy được những rung động, cảm thấy được “sự thật” cho những vấn đề cuộc sống. Mình dường như hiểu được lý do của những đau khổ. Với những cuốn sách và tài liệu mình được đọc, mình cảm thấy biết đâu là sự thật, đâu là hạn chế hoặc cái chưa đúng của những lời nói được viết ra.

Một khả năng khác của luân xa này khi được kích hoạt và phát triển là bạn bắt đầu phát triển khả năng thần giao cách cảm của mình. Bạn bắt đầu có thể truy cập thông tin ở các chiều kích khác và tích hợp những hiểu biết mới này vào cuộc sống.

Luân xa 6 hoạt động kém làm bạn khó nhìn thấy bức tranh tổng thể cuộc sống của mình. Bạn dễ tin vào người khác.

Ngược lại, hoạt động quá mức có thể làm bạn có xu hướng mơ mộng, suy nghĩ quá nhiều, thiếu khả năng tập trung, ảo tưởng.

Các xu hướng Tâm Linh ở phương Đông có xu hướng tập trung vào luân xa 6 quá mức và bỏ quên các luân xa bên dưới. Mỗi luân xa có vai trò ngang bằng nhau và hỗ trợ nhau để chúng ta có sự cân bằng hài hòa trong cuộc sống. Khi chúng ta tập trung quá mức vào luân xa 6, chúng ta trở nên có xu hướng rời bỏ cuộc sống. Chẳng phải cuộc sống này cũng là một sự sáng tạo Thiêng Liêng của Tạo Hóa mà chúng ta cần trân trọng?

Mình tin rằng, góc nhìn và quan điểm của người Mỹ bản địa lấy cuộc sống làm trọng tâm dạy cho chúng ta bài học về việc cần hài hòa giữa các luân xa bên dưới và các luân xa phía trên để cuộc sống trở nên trọn vẹn nhất cho sứ mệnh và sự tồn tại của mình.

Luân xa 7

Luân xa vương miện ở trên đỉnh cầu là luân xa cuối cùng bên trong cơ thể vật lý. Nó được xem giống như cảnh cổng dẫn đến Thiên đường. Nếu như luân xa đầu tiên là nơi để chúng ta kết nối với Trái Đất, là kết nối với dòng năng lượng để nuôi dưỡng chúng ta, Thiên đường là cội nguồn của linh hồn để thúc đẩy chúng ta bước theo con đường mà chúng ta cần bước tới.

Giống như một hạt giống chỉ nảy mầm khi ở trong Trái Đất, và phát triển nhờ ánh sáng của Mặt trời.

Tên tiếng Phạm của luân xa này là sahasrara, có nghĩa là “nhìn”, “tính không”.

Bài học của luân xa này là làm chủ thời gian. Khi chúng ta thoát khỏi thời gian tuyến tính, nhân quả, chúng ta không còn bị kìm kẹp bởi quá khứ. Quá khứ trở thành bài học và nền tảng và bệ phóng để chúng ta vươn lên và biểu hiện ánh sáng của mình.

Luân xa 7 là một vòng xoáy năng lượng hoạt động như là một cầu nối giữa bạn với Vũ Trụ. Là nơi để chúng ta kết nối với bản thể cao hơn của chúng ta; là nơi lưu trữ thông tin về con đường của chúng ta, chúng ta đang ở đâu và cần bước tới những điều gì trong thế giới này;,

Luân xa này được xem là nơi ở của chân lý, là nơi của sự niết bàn và nhập định.

Một luân xa vương miện hoạt động kém làm bạn thiếu kết nối với những điều Thiêng Liêng của cuộc sống. Có thể ảnh hưởng đến khả năng kết nối với bản thể thiêng liêng của mình và làm bạn cảm thấy cuộc sống trở nên vô nghĩa. Bạn trở nên nghi ngờ và mất niềm tin vào Tâm linh.

Hoạt động quá mức ở luân xa này có thể làm bạn bị mắc kẹt trong những suy nghĩ của mình.

Hiểu biết về cách luân xa cho mình một góc nhìn rộng hơn về thế giới và con người chúng ta. Thế giới ẩn chứa những điều vi diệu bên trong chúng ta mà chúng ta có lẽ sẽ không thể bao giờ hiểu hết được bằng tâm trí này.

Last updated