Sự thay đổi trạng thái của Ý thức
Trong một phiên mình trải nghiệm trị liệu chuông xoay Tây tạng, khi kết thúc phiên, người hướng dẫn nói:
“Trong nhóm chúng ta có một bạn hơi yếu (bóng vía)”.
Mình cảm thấy rất ngạc nhiên, tại sao anh ấy lại biết về điều này khi mọi người đều nằm và không ai nói gì cả.
Và khi tìm hiểu sâu hơn một chút, mình biết đến những người người được đào tạo có thể “thấy” năng lượng, hoặc họ có thể “biết” những điều từ trực giác mà người khác không nói. Mình cảm thấy một chút tò mò về những điều này.
Trong một cuốn sách của Lobsang Rampa, có một câu chuyện, khi Rampa đến phòng của sư phụ, chưa kịp lên tiếng, người sư phụ đã bảo “con vào đi”. Sư phụ của Rampa dường như đã biết Rampa đến mặt dù anh không thể hiện một tín hiệu nào để người sư phụ biết là anh đang đến. Hoặc những bậc thầy có khả năng biết trước cái chết của mình.
Những cái biết như vậy của các bậc thầy làm mình ấn tượng về khả năng của họ và làm sao họ có thể biết trước những sự kiện của tương lai hoặc những điều sắp xảy ra đối với họ.
Và khi được trải nghiệm và thực hành sâu hơn với những khía cạnh này. Mình cảm thấy dường như mình biết được bí mật của nó.
Có một khoảng thời gian, mình cảm giác cái biết từ trực giác của mình trở nên nhạy cảm hơn so với bình thường.
Trong một lần cả nhóm cùng đi đến một quán ăn, mình chở một đứa bạn phía sau. Lúc dừng ở ngã 3 đèn đỏ, mình cảm giác cần di chuyển theo một hướng mà mình không thường đi. Đứa bạn ngồi sau cứ khăng khăng muốn đi theo hướng cũ. Đến một ngã 3 gần đến nhà hàng, xe bị kẹt cứng gần như không thể di chuyển.
Trong một lần khác, mình sang thăm một người thầy, dự kiến ban đầu mình sẽ mang theo một quyển bản thảo của một cuốn sách mà mình vừa hoàn thành để nhờ thầy xem qua. Nhưng khi đi lại có một cảm giác mạnh mẽ cần phải cầm theo 2 cuốn. Khi đến nơi, có một người bạn khác cũng ở đó, cô ấy cảm thấy hứng thú và xin mình một cuốn để đọc thử.
Sau một thời gian thực hành Thiền, trải nghiệm các phương pháp thực hành của shaman và biết về các trạng thái sóng não của não bộ. Mình bắt đầu thấy có một sự liên kết ở đây.
Chắc hẳn các bạn đã từng nghe về các trạng thái sóng não của não bộ. Bằng cách sử dụng các điện cực phân bố đối xứng trên da đầu để phát hiện những thay đổi điện trong não, các nhà khoa học đo được điện não đồ còn được gọi là EEG. Và từ đây, người ta phân dải tần số của sóng não về các khung tần số nhất định bao gồm gamma (38-42 hz), beta (12-38 hz), alpha (9-14 hz), theta (3-8 hz), và delta (0.5-3 hz).
Khi chúng ta tập trung hoàn toàn trong một việc gì đó và ở trạng thái quên mất mọi thứ xung quanh, sóng não sẽ ở tần số gamma. Ở trạng thái này, chúng ta có những ý tưởng đột phá. Trạng thái của chúng ta khi tỉnh táo, mơ mộng và thiền định cũng tạo ra sóng gamma.
Sóng não beta xuất hiện khi ở trong trạng thái ý thức bình thường. Beta xuất hiện khi chúng ta tỉnh táo, chú ý, tham gia vào việc giải quyết các vấn đề hoặc các công việc cần sự tâm trung của trí óc và suy nghĩ. Sóng não beta được chia thành ba dải, dải tần số thấp, tần số bình thường và dải tần số cao. Dải tần số cao là khoảng thời gian mà chúng ta trở nên suy nghĩ nhiều, suy nghĩ những vấn đề phức tạp, ở trong trạng thái lo lắng cao độ. Nó tiêu tốn rất nhiều năng lượng của cơ thể.
Sóng alpha xuất hiện khi chúng ta ở trong trạng thái thư giãn, nhẹ nhàng, có những dòng suy nghĩ miên man. Sóng alpha là trạng thái của sự nghỉ ngơi. Trong trạng thái này, chúng ta thường có những ý tưởng và sự sáng tạo trong cuộc sống.
Sóng não theta xuất hiện thường xuyên khi trong giấc ngủ và Thiền định sâu. Theta được xem là thời điểm mà trực giác phát triển mạnh. Trong trạng thái này, các giác quan của chúng ta được rút ra khỏi thế giới bên ngoài và tập trung hoàn toàn vào bên trong. Đó là trạng thái chạng vạng mà chúng ta thường trải qua khi thức dậy hoặc lúc chìm vào giấc ngủ.
Theta là trạng thái mà Ý thức của chúng ta dường như được mở rộng, những cái biết của trực giác mạnh mẽ nhất khi chúng ta ở trong trạng thái này. Đây là trạng thái thay đổi Ý Thức của các shaman mà mình có đề cập ở chương trước. Các phương pháp chữa lành về cơ bản là đưa bạn về trạng thái sóng não theta và từ đó giúp bạn mở ra những nhận biết sâu sắc về bản thân mình.
Thông qua luyện tập Thiền định hoặc các phương pháp khác nhau, chúng ta có thể làm chủ khả năng đưa mình vào trạng thái sóng não theta có ý thức. Mà ở đó, bạn có thể khai thác Trí tuệ bên trong mình.
Và cuối cùng là sóng não delta, delta là sóng não chậm và có biên độ lớn nhất. Tần số sóng não này được tạo ra khi chúng ta ở trong Thiền với một cấp độ rất sâu hoặc một giấc ngủ sâu.
Khi nhận ra những điều này, mình cảm thấy có một cách lý giải rất rõ ràng để chúng ta thấy rằng không có gì bí ẩn trong khía cạnh Tâm linh. Nó là bản chất và khả năng bên trong mỗi người chúng ta. Và chúng ta hoàn toàn có thể khai thác khi biết cách làm chủ khả năng này.
Có một khoảng thời gian, mình muốn kiểm tra khả năng trực giác của mình ở trong trạng thái Thiền định. Mình làm thử một bài kiểm tra về việc đọc đồ vật trong hộp khi ngồi Thiền.
Mình lấy một hộp giấy kín và 3 đồ vật bao gồm: một cái đũa, một cây kéo và một cái thước nhựa. Mình chọn 3 đồ vật với chất liệu khác nhau để khả năng đoán dễ dàng hơn. Và trước khi các bé nhà mình đi ngủ, mình nhờ đứa con trai lớn lấy 1 trong 3 đồ vật trên bỏ vào hộp giấy và đóng lại mà không cho mình biết. Sau đó mình sẽ ngồi Thiền, và cho đến khi cảm thấy sự tĩnh lặng hoàn toàn ở bên trong. Mình bắt đầu ý thức với một cảm giác mình sẽ bay vào trong hộp và cảm nhận xem trong hộp có gì. Lần đầu tiên mình không thể đoán được. Nhưng 2 ngày tiếp theo mình có thể đoán được có gì trong hộp. Một lần khi vào trong hộp, mình cảm giác được một chất liệu sần sùi như gỗ và mình biết đó là chiếc đũa. Lần sau mình cảm giác cái lạnh và bóng loáng của kim loại nên dễ dàng đoán ra nó là cái kéo.
Trải nghiệm này cho mình một cái nhìn rõ ràng về khả năng của trực giác và trạng thái Ý thức thay đổi. Khi chúng ta ở trong trạng thái sóng não theta, một trạng thái tĩnh lặng mà ở đó chúng ta dường như thả lỏng hoàn toàn, cảm thấy dễ dàng đón nhận mọi thứ. Và trong trạng thái này, cái biết của trực giác được mở ra. Trong trạng thái này, dường như không có bất kỳ suy nghĩ nào của Tâm trí.
Những điều này cho mình một cái nhìn rõ ràng hơn về bản chất của Tâm Trí và Ý Thức bên trong chúng ta.
Bản chất của Tâm trí là suy nghĩ, suy nghĩ là chức năng của Tâm trí và não bộ. Trong cuộc sống bình thường, chúng ta sử dụng tâm trí quá nhiều và gắn liền bản thân mình với những suy nghĩ khởi lên từ Tâm trí. Các bậc hiền triết bảo rằng chúng ta hãy học cách làm chủ Tâm trí của mình.
Phần lớn chúng ta không nhận ra rằng, những suy nghĩ khởi lên của Tâm trí có thể đơn giản là những kích hoạt đến từ Tiềm thức, đến từ các bộ phận của cơ thể. Và vì chúng ta đồng hóa bản thân mình với tất cả những suy nghĩ này. Chúng ta lầm tưởng “Tôi là” qua những suy nghĩ của tâm trí nên chúng ta chạy theo “tâm trí” và không làm chủ được bản thân mình.
Nhưng ở bên trong chúng ta có nhiều cấp độ nhận biết khác mà mình gọi là Ý Thức. Ý Thức là khả năng mà chúng ta nhận biết toàn bộ về những gì đang xảy ra. Đó là trạng thái mà chúng ta không phán xét hay đồng hóa với bất cứ điều gì; là trạng thái nhận biết thuần túy và là góc nhìn của người quan sát đang quan sát những gì diễn ra bên trong mình. Thiền là một cách mà chúng ta đưa mình vào trong trạng thái Ý Thức Quan Sát Thuần Túy này.
Và khi chúng ta có khả năng làm chủ Tâm trí mình. Tâm trí không làm chúng ta bận rộn với những suy nghĩ của nó nữa, trực giác của chúng ta bắt đầu phát triển. Những cái biết của trực giác được nhận biết rõ ràng hơn.
Có những phiên trải nghiệm trị liệu chuông xoay, sau khoảng 20 phút, mình bắt đầu cảm giác rơi vào một trạng thái khác của Ý thức. Mình cảm giác mình không còn đang nghe những âm thanh nữa. Một cảm giác nhẹ nhàng như mình đang “quan sát” âm thanh. Trong trạng thái này, mình cảm giác dường như mình không còn là cơ thể nữa. Mình trở thành một điểm ý thức nhận biết thuần túy và không có bất kỳ một gợn sóng suy nghĩ nào.
Sau này khi có cơ hội để trở thành người “gõ chuông” và hỗ trợ mọi người trải nghiệm trị liệu chuông xoay. Sau một vài phút gõ chuông, mình bắt đầu có thể cảm nhận được trường năng lượng mà mọi người đang nằm. Mình dường như có thể cảm nhận được ai đang ở trong một trạng thái sâu của ý thức hoặc ai đang vẫn còn mải mê với những suy nghĩ. Khi kết nối với trường năng lượng này, mình trở thành một kênh dẫn để trường năng lượng này dẫn dắt đôi bàn tay của mình. Nó tự động điều chỉnh nhịp gõ, tốc độ gõ của chuông. Bản thân mình dường như trở thành một sự đồng nhất với khối năng lượng mà mọi người đang nằm để tiếng chuông của mình trở thành phiên bản tốt nhất của chính nó để hỗ trợ mọi người trong phiên trải nghiệm.
Với một chút quan sát, chúng ta có thể thấy hầu hết các thực hành Tâm Linh đều gắn liền với tụng kinh, cầu nguyện, âm thanh, tiếng hát hoặc nhảy múa. Tất cả các hình thức này đều là một cách để đưa chúng ta về trạng thái ý thức thay đổi - trạng thái của sóng não Theta.
Tùy vào khả năng “hiện diện” và “tập trung” của bạn tại thời điểm đó, bạn càng hiện diện với không gian và với những gì bạn làm bao nhiêu, bạn càng dễ dàng để đưa Ý Thức của mình vào trạng thái Ý Thức thay đổi. Mà ở trong trạng thái này, bạn cảm nhận được sự hòa hợp của chính bạn với mọi người, với không gian.
Và tùy vào ý định và cách mà chúng ta thực hành, ở trong trạng thái Ý Thức thay đổi này, trực giác được mở ra, trí tuệ bên trong trở nên nhạy bén. Chúng ta có khả năng “biết” và “cảm nhận” được những bài học sâu sắc về cuộc sống hoặc nhận diện được những “giải pháp” cho những “vấn đề” của chính bản thân mình.
Những người Bushman ở châu Phi được xem là hậu duệ của nền văn hóa tổ tiên của mọi người trên Trái Đất. Họ vẫn giữ những cách thực hành truyền thống về chữa bệnh. Nếu một người bị bệnh và tìm đến với một pháp sư Bushman. Trong một vòng tròn cùng với lửa, người pháp sư sẽ nhảy xung quanh đống lửa để thay đổi trạng thái Ý Thức của mình. Và ở trong trạng thái này, người pháp sư sẽ biết cần hỗ trợ như thế nào để có thể chữa lành bệnh tật.
James Hardt là một nhà khoa học, ông đã dành hơn 40 năm nghiên cứu về não bộ của con người. Có thể nói ông là người hiểu về não bộ hơn ai hết trong thời đại của chúng ta. Ông nghiên cứu và đo điện não đồ của các bậc thầy Thiền định. Ông phát hiện những chấn thương cảm xúc ảnh hưởng đến góc nhìn và nhận thức của chúng ta. Nó làm chúng ta mất kết nối với con người thật sự của mình và không còn cảm thấy kết nối với tính Nhất Thể của Vũ Trụ, của Tạo Hóa. Ông thành lập một trung tâm tên là Biocybernaut, trong đó cung cấp nhiều khóa huấn luyện về não bộ thông qua việc đo lường và kích thích các trạng thái sóng não. Qua giới thiệu của James Hardt, chỉ với 7 ngày trải nghiệm, phương pháp này có thể giúp bạn tăng hơn 10 điểm IQ, tăng cường đáng kể chỉ số EQ, tăng 50% khả năng sáng tạo và từ đó tăng 50 đến 60% tỉ lệ thành công trong cuộc sống để sáng tạo cuộc sống theo cách mà chúng ta muốn.
Phương pháp của James Hardt có thể làm nhiều người nỗ lực thực hành Thiền phải ghen tị, vì chỉ qua 7 ngày ngồi trong một phòng kín với những cái máy của ông, được ăn uống và nghỉ ngơi, thư giãn đầy đủ. Não bộ của họ có thể được “cải thiện” đáng kể so với việc chúng ta mất vài tháng hoặc vài năm thực hành thiền định.
Khi bạn trải nghiệm các liệu pháp thực hành thôi miên và các bài dẫn Thiền, thông qua lời hướng dẫn, bạn bắt đầu thay đổi trạng thái Ý Thức của mình để kết nối sâu hơn với bản thân. Mà thông qua đó, những ký ức bên trong được kích hoạt. Những hình ảnh xuất hiện từ bên trong đang cố gắng giao tiếp và truyền tải cho bạn những thông tin gì đó mà Ý thức bình thường không nhận biết được. Nó giúp chúng ta khám phá những phần sâu kín bên trong để giúp chúng ta khám phá con người thật sự của mình.
Và nếu chúng ta biết cách khai thác trạng thái này, nó mở ra những kiến thức, sự hướng dẫn để chúng ta có thể chữa lành cho bản thân và kích thích sự sáng tạo trong cuộc sống.
Đây cũng là trạng thái mà chúng ta bắt đầu có thể tương tác và làm việc ở cấp độ của năng lượng cùng khả năng trực giác trở nên nhạy bén của mình.
Bằng việc thực hành các phương pháp thực hành Tâm Linh như Thiền, Yoga, hoặc chuông… bạn có thể đưa mình vào trong trạng thái này.
Một cách đơn giản khác mà bạn có thể tự trải nghiệm với chính mình là sử dụng âm thanh. Bạn có thể tìm một bài bản nhạc tần số trên youtube, một số tần số mà mình yêu thích như 528hz, 639hz, 963hz v.v… Các bài nhạc tần số này khá phổ biến trên youtube, bạn có thể tìm kiếm với từ khóa: “nhạc tần số”, hoặc “528hz”.
Một loại nhạc khác mà bạn cũng có thể trải nghiệm là nhạc “bilateral”. Bilateral là một liệu pháp âm nhạc trong đó âm thanh được chia thành 2 kênh để tạo ra hiệu ứng giữa tai trái và tai phải. Nó được sử dụng thành công để giảm lo âu, cân thẳng, mất ngủ v.v.. Hoặc hỗ trợ cho học tập, thư giãn và thiền định.
Mình thấy nhạc bilateral có hiệu ứng trong việc thay đổi trạng thái Ý Thức tốt hơn so với nhạc tần số.
Trong các buổi hướng dẫn Thiền của mình, nhạc bilateral thường có thể giúp mọi người đi vào một trạng thái rất sâu trong thiền định.
Bài tập: Thư giãn với nhạc tần số
Sau khi tìm được một bài nhạc vừa ý, bạn hãy nằm xuống giường hoặc ở một vị trí mà bạn cảm thấy thoải mái.
Thả lỏng toàn bộ cơ thể. Ý thức trong khoảng 40 phút tới đây, bạn sẽ trở thành người quan sát và ý thức cho phép mình thư giãn.
Từ từ nhẹ nhàng cho phép mình chìm vào những rung động của âm nhạc.
Ý thức về trạng thái tinh thần của mình.
Hướng sự chú ý của mình về hơi thở, nhận biết hơi thở hít vào và thở ra.
Hãy cho phép bất cứ nhận biết nào đến và đi.
Nếu có bất cứ suy nghĩ nào đến, nhận biết và quay về với hơi thở.
Sau khi kết thúc, bạn có thể viết lại trải nghiệm của mình để cảm nhận rõ ràng hơn. Thực hành một vài lần bạn sẽ có thể nhận ra sự thay đổi trong trạng thái Ý thức của mình. Bạn có thể cảm thấy một phiên bản “sâu lắng”, “yên tĩnh”, “trí tuệ” hơn bên trong mình.
Mình rất ngạc nhiên khi biết nhiều nhà khoa học trong quá khứ đã thực hành những phương pháp đưa mình vào trong trạng thái này để kích thích sự sáng tạo của họ.
Một bài viết trên tạp chí science.org kể rằng, khi Thomas Edison gặp vấn đề với những phát minh của mình, ông sẽ đi ngủ trên chiếc ghế bành của mình trong khi cầm một quả bóng thép trên tay. Khi anh ấy bắt đầu buồn ngủ và cơ thể bắt đầu thư giãn và thả lỏng, quả bóng sẽ đập xuống sàn, âm thanh sẽ đánh thức anh ấy và trong trạng thái đó, những ý tưởng mới sẽ đến để giúp anh ấy giải quyết vấn đề.
Các nhà khoa học cũng đã thử nghiệm thủ thuật này trong phòng thí nghiệm của họ, và nhiều phát minh nổi tiếng đến từ trạng thái này.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thí nghiệm với 100 người. Họ đưa một bài kiểm tra toán học cho nhóm người này. Bài toán đủ khó để mọi người không dễ tìm ra đáp án. Mọi người sẽ có 30 lần thử và sau đó họ được nghỉ giải lao 20 phút trong phòng tối và nhắm mắt lại. Mỗi người cầm một chai nhựa trên tay phải trong khi các nhà nghiên cứu ghi lại hoạt động não của họ bằng điện não đồ. Nhìn vào điện não đồ, họ phát hiện ra những người chợp mắt và bị gián đoạn cho giai đoạn đầu của giấc ngủ có khả năng tìm ra chìa khóa cho bài toán tốt hơn gấp ba lần so với những người tỉnh táo.
Bản thân mình đã tự thực hiện những kỹ thuật này trước khi biết đến các nghiên cứu và chỉ dẫn này. Một lần nữa, nó giúp mình xác nhận những gì mình đã thực hành mỗi ngày cũng đã được ứng dụng bởi nhiều người khác trên thế giới. Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn những kỹ thuật này trong chương “Những giấc mơ”. Bạn có thể ứng dụng những điều này trước khi đi ngủ mỗi ngày để giúp bạn nhận những chỉ dẫn và hướng dẫn từ Trí tuệ bên trong cho các vấn đề thường ngày trong cuộc sống.
Và tại thời điểm mình viết cuốn sách này, các chương, các đầu mục hầu hết cũng là những ý tưởng xuất hiện trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mơ. Trước khi bắt đầu viết một phần nào đó của sách. Mình sẽ nằm trên ghế và đi ngủ. Có những lúc mình sẽ đi vào trạng thái ngủ luôn khoảng 1,2 giờ sau mới dậy. Và trong những trạng thái nửa tỉnh, nửa mơ sau hoặc trước khi ngủ. Những ý tưởng sẽ đến và mình cảm giác cần biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào. Và phần còn lại của mạch truyện tự động được liên kết để trở thành một nội dung hoàn chỉnh.
Last updated