Bạn có thể nín thở bao lâu?
Khoa học về hơi thở của Ấn Độ cổ xưa được gọi là Pranayama. Pranayama là sự kết hợp của hai từ tiếng Phạn: prana có nghĩa là “sức sống”, “bản chất”, “sinh lực”, “năng lượng”; và ayama có nghĩa là “sự làm chủ”, “kiểm soát”. Pranayama là làm chủ sinh lực. Thực hành pranayama cho phép hành giả kiểm soát và tăng cường sinh lực và năng lượng vi tế của cơ thể.
Pranayama được đề cập là cách thức luyện tập để tăng cường năng lượng trong cơ thể vật lý và các tầng cơ thể vi tế. Pranayama đôi khi còn được đề cập là phần Nín thở giữa hít vào và thở ra. Việc nín thở càng lâu càng giúp tăng cường khả năng hấp thu năng lượng prana của cơ thể. Vì vậy, pranayama cũng được xem là sự thuần thục đối với những khoảng dừng trong hơi thở giữa quá trình hít vào và thở ra.
Một thí nghiệm vào năm 1970 với Swami Rama tại một phòng thí nghiệm ở Mỹ đã làm giới học giả ở Mỹ ngạc nhiên về khả năng của con người. Thí nghiệm này được báo cáo trên tờ The New York Times của Mỹ.
Swami Rama là một guru yoga người Ấn Độ. Ông luyện tập các kỹ thuật thở từ năm 3 tuổi ở miền bắc Ấn Độ. Sau này ông chuyển đến các tu viện ở Himalaya và thực hành những kỹ thuật bí truyền với Mahatma Gandhi, Sri Aurobindo và nhiều vì thầy khác.
Tại phòng thí nghiệm Swami Rama đã làm các bác sĩ và các nhà khoa học ngạc nhiên về khả năng của mình. Người ta gắn máy đo điện tâm đồ trên tim và cảm biến điện não đồ trên trán để quan sát trạng thái cơ thể vật lý của anh ấy. Rama tự đưa mình vào trạng thái được cho là hôn mê trong nửa giờ khi kết quả đọc EEG báo cáo sóng não anh ấy ở trong trạng thái thay đổi từ sóng alpha, đến delta thấp, trạng thái này được xác định là trạng thái ngủ sâu và không có ý thức. Khi Rama “tỉnh dậy”, anh ấy kể lại cuộc trò chuyện đã diễn ra của mọi người trong phòng khi họ nghĩ rằng anh ấy đã ở trong trạng thái ngủ sâu.
Rama cũng làm các bác sĩ ngạc nhiên khi chủ động làm chậm nhịp tim từ 74 xuống 52 trong vòng 60 giây và tăng nhịp tim từ 60 lên 82 nhịp trong vòng tám giây, điều mà mọi người nghĩ là không ai có thể tự mình chủ động làm việc đó. Rama ấy cũng tự mình tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ 11 độ giữ ngón út và ngón cái trong khi tay của ông không hề di chuyển. Ông nói ông di chuyển prana vào các bộ phận trên cơ thể mình để tạo ra những thay đổi có chủ ý như vậy.
Mình thường luyện tập và quan sát hơi thở của mình trong trạng thái nằm nghỉ ngơi. Mình nằm trong một tư thế thoải mái và nhắm mắt lại; và thường sau khoảng 5 đến 10 phút. Có một khoảng khắc trong đó mình biết rằng ý thức của mình đã đi vào một trạng thái ý thức sâu hơn. Ở trạng thái này, mình thường tìm thấy giải pháp hoặc cụ tưởng cụ thể cho những vấn đề trong cuộc sống. Hoặc những chỉ dẫn cụ thể cũng thường đến với mình trong trạng thái này. Nó giống như một cái biết rõ ràng từ trực giác bên trong; khác ở chỗ là mình không cố gắng tìm kiếm hay phải tư duy và suy nghĩ về nó.
Trong tài liệu này, mình không đề cập đến các kỹ thuật pranayama chuyên sâu. Những bài tập mình giới thiệu trong cuốn sách này là những bài tập thở đơn giản để chúng ta có thể lấy lại hơi thở tự nhiên và cải thiện khả năng làm chủ tâm trí, cảm xúc và mở rộng trực giác.
Mặc dù chúng ta không cố ý tìm kiếm một khả năng siêu việc như Rama, nhưng hít thở có ý thức chắc chắn không chỉ mang lại những lợi ích về mặt thể chất mà nó có ảnh hưởng tích cực đến khía cạnh năng lượng vi tế bên trong cơ thể và từ đó ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống.
Có 2 kiểu nín thở là nín thở trong và nín thở ngoài. Với nín thở trong, bạn hít vào sau đó giữ lại và thở ra. Nín thở ngoài thì ngược lại bạn sẽ hít vào, thở ra và sau đó giữ lại. Bạn có thể sẽ cảm thấy khó khăn cho nín thở ngoài hơn là nín thở trong.
Bước nín thở dường như giúp chúng ta tăng cường lượng khí CO2 trong cơ thể và từ đó giúp quá trình trao đổi khí của cơ thể được tốt hơn.
Thời gian bạn có thể nín thở cũng là một cách đơn giản để đo lường mức độ sức khỏe của bạn.
Hãy thử đo lường thời gian bạn có thể nín thở qua bài tập sau. Bạn sẽ cần một đồng hồ bấm giờ để kiểm tra thời gian nín thở của bạn trong bài tập này. Một cách đơn giản là sử dụng đồng hồ bấm giờ trên điện thoại của bạn.
Bài tập: Đo lường khả năng nín thở
Ngồi thẳng lưng trên sàn hoặc trên ghế ở một tư thế thoải mái.
Hít thở những hơi thở bình thường.
Thở ra và bịt mũi, nín thở và bấm đồng hồ.
Nín thở cho đến khi bạn cảm thấy khó thở.
Bấm thời gian dừng lại và hít thở bình thường.
Bạn có thể nín thở bao nhiêu lâu? Hãy ghi nhớ thời gian này. Và sau khoảng 3 tuần luyện tập hơi thở. Bạn có thể kiểm tra lại sự tiến bộ của mình với bài tập này.
Nếu thời gian nín thở của bạn là dưới 20 giây, có thể sức khỏe bạn đang có vấn đề. Và nếu bạn có thể nín thở hơn 60 giây, có thể bạn đang có sức khỏe tốt.
Để có ý tưởng về việc nín thở, mời bạn thực hành bài tập sau:
Bài tập: Thở tam giác/ nín thở trong
Ngồi thẳng lưng trên sàn hoặc trên ghế ở một tư thế thoải mái.
Hít thở những hơi thở bình thường.
Hướng ý thức về hơi thở, cảm nhận sự chuyển động nhẹ nhàng của cơ bụng.
Sau khoảng một vài hơi thở để lấy lại trạng thái thư giãn trong tinh thần. Hãy bắt đầu các nhịp sau:
Hít vào, đếm 1… 2… 3… 4…
Giữ lại (nín thở), đếm 1… 2… 3… 4…
Thở ra, đếm 1… 2… 3… 4…
Sau đó lại tiếp tục hít vào … giữ lại … thở ra …
Tiếp tục như vậy khoảng 5 đến 10 phút.
Cảm nhận sự thư giãn và trạng thái tinh thần sau khi hít thở.
Nếu bạn gặp khó khăn với việc thở cơ bụng của mình, hãy thực hành hít thở cơ bụng với tư thế xác chết hoặc tư thế cá sấu thường xuyên hơn để cảm nhận sự nhịp nhàng của hơi thở khi thở bằng cơ bụng.
Bạn vẫn có thể thực hành những bài tập này với kiểu thở theo thói quen của bạn. Việc thực hành thường xuyên tự động sẽ góp phần điều chỉnh kiểu hít thở đúng và tự nhiên.
Bài tập này thiết lập một kiểu thở bằng nhau giữa 3 giai đoạn hít vào, giữ lại và thở ra. Nếu bạn gặp khó khăn ở bước giữ lại, bạn không thể giữ lại cho đến nhịp 4 vì như vậy làm bạn cảm thấy khó chịu, bạn có thể giảm xuống 2: hít vào đếm đến 4, giữ lại đếm đến 2, thở ra đếm đến 4. Sau một thời gian bạn có thể tăng giữ lại đến 4.
Tương tự với kiểu thở nín thở trong, bạn có thể làm tương tự với bài tập nín thở ngoài.
Bài tập: Nín thở ngoài
Thực hành các bước tương tự với nín thở trong.
Sau khoảng một vài hơi thở để lấy lại trạng thái thư giãn trong tinh thần. Hãy bắt đầu các nhịp:
Hít vào, đếm 1… 2… 3… 4…
Thở ra, đếm 1… 2… 3… 4…
Giữ lại (nín thở), đếm 1… 2… 3… 4…
Sau đó lại tiếp tục hít vào … thở ra … và giữ lại …
Tiếp tục như vậy khoảng 5 đến 10 phút.
Cảm nhận sự thư giãn và trạng thái tinh thần sau khi hít thở.
Với bài tập thở vuông, bước giữ lại (nín thở) sẽ được xen kẽ giữa các bước hít vào và thở ra.
Bài tập: Thở vuông
Thực hành các bước tương tự với nín thở trong.
Sau khoảng một vài hơi thở để lấy lại trạng thái thư giãn trong tinh thần. Hãy bắt đầu các nhịp:
Hít vào, đếm 1… 2… 3… 4…
Giữ lại (nín thở), đếm 1… 2… 3… 4…
Thở ra, đếm 1… 2… 3… 4…
Giữ lại (nín thở), đếm 1… 2… 3… 4…
Sau đó lại tiếp tục hít vào … giữ lại … thở ra … giữ lại …
Tiếp tục như vậy khoảng 5 đến 10 phút.
Cảm nhận sự thư giãn và trạng thái tinh thần sau khi hít thở.
Luyện tập nâng cao
Sau một thời gian luyện tập, bạn có thể nâng cao khả năng hít thở của mình bằng một số cách sau:
Tăng số lần đếm:
Thay vì đếm đến 4, bạn tăng lên 6 hoặc 8 hoặc 10. Hơi thở càng dài và chậm bao nhiêu càng có lợi cho sức khỏe bấy nhiêu. Không có giới hạn cho việc hơi thở bạn có thể kéo dài bao lâu.
Sử dụng đồng hồ bấm giờ:
Việc đếm trong đầu là một cách đơn giản để chúng ta tự thực hành mà không phụ thuộc vào điều gì bên ngoài. Nó có thể không đều giữa hít vào và thở ra mặc dù điều này cũng không quan trọng lắm. Tuy nhiên, nếu bạn muốn hơi thở của mình đều hơi và có sự đo lường chính xác hơn, bạn có thể sử dụng ứng dụng đồng hồ bấm giờ trên điện thoại thay vì đếm trong đầu. Việc đếm thầm trong đầu đôi khi nhanh hoặc chậm tùy thuộc vào trạng thái tinh thần của bạn. Nên việc theo dõi qua điện thoại cho bạn một cái nhìn chính xác hơn.
Tăng thời gian bước giữ lại hoặc thở ra:
Chúng ta càng giữ hơi thở lâu bao nhiêu càng tốt cho sức khỏe bấy nhiêu, và điều này cũng tương tự với việc thở ra. Nếu thời gian thở ra của bạn dài hơn thời gian hít vào, điều này cũng tốt hơn cho sức khỏe. Với kiểu thở tam giác, chúng ta thực hiện các bước hít vào, giữ lại và thở ra theo nhịp 1-1-1, nghĩa là thời gian hít vào, giữ lại và thở ra bằng nhau. Tuy nhiên, qua thời gian khi khả năng của bạn tăng lên, bạn có thể kéo dài bước giữ lại và thở ra với nhịp: 1-2-1 (ví dụ 4 giây hít vào, 8 giữ lại và 4 giây thở ra). Với nhịp 1-2-1, bạn tăng gấp đôi thời gian giữ lại so với hít vào. Và một số biến thể khác mà chúng ta cũng có thể khám phá gồm: 1-2-2, 1-4-2, 1-4-4 v.v.. Không có giới hạn cho cách thực hiện, quan trọng là khả năng làm chủ hơi thở của bạn.
Last updated