Nguyên tắc thở đúng

Chúng ta hít vào khoảng 20.000 - 25.000 lần trong một ngày, nên việc thiết lập một kiểu thở hiệu quả chắc chắn có ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe và tinh thần của chúng ta.

Trong cuốn sách Conscious breathing của Anders Olsson, ông giới thiệu 5 nguyên tắc thở đúng mà mình giới thiệu ở đây để các bạn có một góc nhìn đối chiếu về hơi thở của mình. Những điều này cũng được đề cập trong một số tài liệu khác về Khoa Học Hơi Thở Pranayama của Ấn Độ.

Bạn có thể lưu ý và áp dụng những nguyên tắc này trong luyện tập thở.

Nguyên tắc 1: Hít thở bằng mũi. Mũi là cơ quan được thiết kế dành cho hít thở. Không khí qua mũi được làm ẩm và làm sạch vi khuẩn, làm giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Nguyên tắc 2: Thở cơ hoành. Cơ hoành là cơ hô hấp chính của chúng ta. Hít thở bằng cơ hoành làm tăng khả năng trao đổi khí. Việc trao đổi khí hiệu quả nhất khi không khí đi sâu vào phần dưới của phổi. Thở ngực làm hơi thở nông, không khí chỉ đến phần trên của phổi và làm cho quá trình trao đổi khí kém hiệu quả.

Cơ hoành chuyển xuống dưới khi hít vào làm giảm áp suất lồng ngực cũng như trong dạy dài. Sự tương tác này có tác dụng ép lên các mạch máu đến tim và vì vậy có tác động tích cực hỗ trợ tim trong việc vận chuyển máu. Chuyển động của cơ hoành cũng có tác dụng xoa bóp gan, dạ dày và ruột.

Nguyên tắc 3: Thở chậm, thư giãn, thoải mái. Trong phần hơi thở mạch lạc, bạn có thể thấy vai trò của nó trong việc kéo dài hơi thở. Con người chúng ta thường thở nhanh hơn bình thường do lối sống. Thói quen sống trong môi trường nhiều thông tin và thường xuyên căng thẳng làm hơi thở của chúng ta trở nên gấp hơn.

Bằng cách làm cho hơi thở chậm hơn, chúng ta đang tác động đến hệ thống thần kinh và làm toàn bộ cơ thể thích nghi và thư giãn; từ đó mở rộng trực giác và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.

Con người chúng ta thường có xu hướng gắn liền bản thân mình với những suy nghĩ diễn ra trong Tâm Trí và tần suất của những suy nghĩ này ảnh hưởng bởi tốc độ của hơi thở. Bằng cách thay đổi nhịp thơ, bạn đang thay đổi cách bạn suy nghĩ và làm cho đầu óc mình trở nên sáng suốt hơn.

Các trường phái thực hành Thiền và Pranayama đề cao việc thở chậm, có thể nói tốc độ hít thở ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhận thức và mở ra những hiểu biết sâu sắc về khía cạnh thực hành Tâm Linh.

Nguyên tắc 4: Thở nhịp nhàng. Nếu bạn chưa bao giờ để ý hơi thở của mình và mới bắt đầu bước tới việc quan sát hơi thở, bạn có thể thấy hơi thở không nhịp nhàng. Việc thiết lập một hơi thở nhịp nhàng là điều quan trọng để lấy lại hơi thở tự nhiên của mình.

Bạn có thể thấy mọi thứ trong tự nhiên đều có tính chu kỳ: ngày và đêm, nhịp sóng biển, các mùa trong năm, nhịp tim, … và hơi thở cũng vậy.

Hơi thở có tác động trực tiếp và gián tiếp đến các bộ phận khác trong cơ thể bao gồm: tim, não, tiêu hóa, chức năng miễn dịch, khả năng sản xuất năng lượng v.v… Việc thở nhịp nhàng sẽ cải thiện các quá trình khác của cơ thể.

Mình gặp một số người hít thở có khoảng dừng ở giữa khi hít vào hoặc thở ra. Khi gặp vấn đề này, trong một số hơi thở họ sẽ hít vào sau đó dừng lại và lại tiếp tục hít vào. Hoặc với thở ra, sau khi thở ra thì dừng lại một chút rồi sau đó lại thở ra. Cách thở này không nhịp nhàng.

Một lỗi khác cũng thường gặp là hơi thở không đều. Khi hít vào sẽ có một khoảnh khắc nào đó của chu kỳ hít vào mạnh hơn những phần khác. Tương tự, lỗi này cũng có thể gặp khi thở ra.

Việc thở nhịp nhàng là hơi thở đều đặn trong cả quá trình hít vào và thở ra.

Nguyên tắc 5: Thở êm ái và không có tiếng ồn. Một số người ban ngày hít thở tự nhiên nhưng khi bắt đầu đi ngủ, hơi thở của họ bắt đầu có tiếng ồn, khó thở và không đều. Việc chủ động luyện tập qua thời gian có thể loại bỏ trình trạng này. Thở có tiếng ồn không phải là kiểu thở tự nhiên của chúng ta.

Ngáy là dấu hiệu của đường thở hẹp. Để bù lại, cơ thể chúng ta trở nên thở nhanh hơn và sử dụng nhiều năng lượng hơn để hít thở.

Tóm lại, 5 nguyên tắc này cho bạn một cái nhìn về cách thở đúng để bạn có thể lưu ý về trình trạng và cách hít thở của mình.

Last updated