Khoa học về Hơi Thở
Bây giờ chúng ta hãy khám phá một chút để hiểu sâu hơn về cơ quan hô hấp và hơi thở. Cơ quan hô hấp của chúng ta gồm 2 lá phổi và đường dẫn khí. Phổi xốp, có tính đàn hồi cao và 2 lá phổi có thể mở rộng tự do theo mọi hướng và được bao bọc bởi túi màng phổi. Khi chúng ta hít vào, theo tự nhiên, cơ hoành sẽ hạ xuống và lồng ngực hơi mở rộng ra; 2 lá phổi sẽ được mở rộng để cho phép lượng khí oxy vào phổi nhiều hơn. Trước khi không khí được đến phổi, nó sẽ được làm sạch, làm ấm và khử trùng không khí trong khoang mũi.
Hít thở bằng mũi là một trạng thái tự nhiên nhất của cơ thể. Nhiều người trong xã hội chúng ta có những vấn đề với đường thở, họ thở bằng miệng.
Thở miệng được xem là khiến cơ thể mất nước. Một nghiên cứu gần đây của Nhật Bản cho thấy những con chuột bị tắc lỗ mũi và buộc phải thở bằng miệng sẽ phát triển ít tế bào não hơn và mất gấp đôi thời gian để vượt qua mê cung so với những con thở bằng mũi. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng việc thở bằng miệng gây ra sự xáo trộn oxy đến vỏ não trước trán, vùng nào liên quan đến chứng tăng động giảm sự chú ý. Về cơ bản, thở bằng miệng làm chúng ta trở nên thiếu sáng suốt hơn.
Với mỗi hơi thở chúng ta hít vào, sẽ có một lượng không khí trong lành đến phổi. Máu sẽ được lọc sạch bởi quá trình tái tạo của phổi, và sau đó quay trở lại động mạch để tiếp tục cung cấp sự sống cho các cơ quan khác trong cơ thể. Máu khi được tiếp xúc với không khí trong phổi, nó sẽ được đào thải các tạp chất và khí axit cacbonic, và qua đó máu được hấp thụ một lượng oxy nhất định để mang đến các bộ phận khác của cơ thể. Khi chúng ta hít thở không đúng cách, điều này có thể dẫn đến máu không được cung cấp một lượng không khí trong lành cần thiết để quá trình tái tạo ở máu được diễn ra hoàn toàn. Khi đó máu không được thanh lọc và không được làm sạch hoàn toàn, nó quay trở lại cơ thể và từ đó về lâu dài sẽ biểu hiện thành một số dạng bệnh tật. Và bệnh tật là một quá trình tích lũy lâu dài nên có thể chúng ta không nhận ra tầm quan trọng và ảnh hưởng của nó.
Ước tính, trong khoảng 24h, có khoảng 18.000 lít máu đi qua phổi để được làm sạch. Và nếu hít thở không đúng cách, quá trình thải độc ở phổi không được diễn ra tốt, lâu ngày chúng ta sẽ tích tụ độc tố trong cơ thể.
Để biết được tác dụng tuyệt vời của hít thở có ý thức tác động đến cơ thể chúng ta như thế nào, chúng ta hãy tìm hiểu một chút về hệ thần kinh tự chủ trong cơ thể; vì hít thở có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh này.
Hệ thần kinh tự chủ còn được gọi là hệ thần kinh thực vật gồm các sợi dây thần kinh đi từ hệ thần kinh trung ương đến các cơ quan trong cơ thể. Nó là một hệ thống kiểm soát hoạt động vô thức và điều chỉnh các chức năng của cơ thể như nhịp tim, tiêu hóa, hô hấp …
Hệ thần kinh tự chủ được chia thành hai phần là hệ thần kinh giao cảm (SNS) và phó giao cảm (PNS); chúng hoạt động theo nguyên tắc đối nghịch nhau.
Hệ thần kinh giao cảm (SNS) thúc đẩy cơ chế chiến đấu hay bỏ chạy khi gặp nguy hiểm; hoặc khi gặp hoàn cảnh bất lợi. Nó thúc đẩy cơ chế này bằng cách kích thích tăng nhịp tim, hệ hô hấp … để chuẩn bị cho cơ thể ở cơ chế chiến đấu hoặc bỏ chạy.
Trong khi đó hệ thần kinh phó giao cảm (PNS) có chức năng ngược lại; nó làm chậm nhịp tim, hệ hô hấp … và đưa cơ thể về chế độ “nghỉ ngơi, phục hồi”.
Khi chúng ta thường xuyên ở trong chế độ căng thẳng, hệ thần kinh phó giao cảm không còn hoạt động tốt nữa và vì vậy, nó làm chúng ta thường xuyên ở trong trạng thái căng thẳng, mặc dù chúng ta không thực sự mong muốn điều đó.
Những nghiên cứu của hai nhà khoa học Patricia Gerbarg (tốt nghiệp y tại Harvard) và tiến sĩ Richard P. Brown (phó giáo sư lâm sàng về Tâm Thần Học) đã phát hiện: hít thở có thể làm giảm hoạt động của hệ thần kinh giao cảm (SNS) và tăng cường hoạt động của hệ thần kinh phó giao cảm (PNS). Điều này có nghĩa, chỉ bằng cách hít thở có ý thức (tập trung vào hơi thở), chúng ta đang chủ động luyện tập để tăng cường hoạt động của hệ thần kinh phó giao cảm (PNS) giúp cơ thể đi về chế độ phục hồi, nghỉ ngơi tốt hơn.
Những phát hiện của 2 người cũng bao gồm ảnh hưởng của hệ thần kinh phó giao cảm (PNS) có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng chúng ta cảm thấy tin tưởng, yêu thương, kết nối, giao tiếp tình cảm và cảm thấy đồng cảm. Vì vậy, luyện tập hít thở thường xuyên sẽ làm chúng ta cảm thấy yêu đời, trở nên vui vẻ và an lạc hơn.
Như vậy, các bạn có thể thấy, chỉ với việc kiểm soát hơi thở hoặc thở có ý thức, chúng ta có thể tác động một cách có chủ ý đến não và hệ thần kinh của mình, mà từ đó giúp chúng ta thay đổi trạng thái tâm lý của chúng ta theo nghĩa đen.
Để biết xem bạn đang hít thở như thế này, mình mời bạn thực hiện một bài tập sau nhé.
Bài tập: Bạn đang Hít Thở như thế nào
Hãy tìm cho mình một nơi yên tĩnh hoặc bất cứ không gian nào làm bạn cảm thấy thoải mái.
Bạn có thể ngồi ở tư thế thiền hoặc nằm thoải mái trên giường. Hãy đặc ý thức của bạn vào hơi thở và quan sát hơi thở.
Để hơi thở một cách tự nhiên nhất có thể và không điều khiển hoặc thay đổi nhịp điệu của hơi thở. Sau một vài hơi thở, hãy cảm nhận hơi thở của bạn.
Bạn có thể để ý xem: hơi thở của bạn hít vào và thở ra như thế nào?
Hơi thở khi hít vào và thở ra có đều nhau? Hít vào nhanh hơn hoặc chậm hơn so với nhịp thở ra?
Hơi thở của bạn có bị giật ở chỗ nào không?
Và quan sát xem, khi hít vào, hơi thở đi vào mũi, cổ họng, xuống lồng ngực, trong quá trình này, có chỗ nào làm bạn cảm thấy bị tức hoặc không được thoải mái ở vùng nào của cơ thể.
Hãy để ý xem khi hít thở, những bộ phận nào của cơ thể đang làm việc.
Khi bạn bắt đầu tĩnh lặng và đưa ý thức vào quan sát, hầu hết mọi người đều có thể nhận ra điều gì đó trong hơi thở của mình. Nhiều người chia sẻ là họ cảm thấy hơi thở không đều, hoặc bị giật, hoặc cảm thấy bị ức chế ở vùng ngực khi hít vào.
Last updated